Cải táng và những thủ tục cần thiết
Cải táng là giai đoạn cuối cùng trong tang lễ, đây cũng là giai đoạn rất quan trọng theo truyền thống tâm linh của người Việt Nam.
Vì họ quan niệm rằng nếu làm đúng, tốt thì gia đình họ sẽ gặp mạnh khoẻ, may mắn và thành công trong mọi việc, quan trọng hơn nữa là cha, mẹ họ sẽ được an lành, siêu thoát.
Theo thuật Phong thuỷ cổ truyền thì việc tiến hành cải táng có những công việc cần chuẩn bị như sau:
– Chọn thời gian: Tuỳ theo từng gia đình, hoàn cảnh cụ thể để tiến hành. Tuy nhiên theo tất cả các sách từ xưa để lại, thời gian tốt nhất trong năm là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Không ai cải táng , quy tập mộ đầu năm cũng như sau Đông Chí :
“Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng.
Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải tháng lâu từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên.
Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam. Năm để tiến hành cải táng cũng phải được phù hợp với tuổi của người trưởng nam.”
– Tìm huyệt cát: Đó là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố tốt theo Phong thuỷ của một ngôi mộ.
Cũng có người không tin gì cả thì họ làm đơn sơ bằng cách thông báo với người nhà định một ngày thuận lợi nào đó rồi con cháu xúm tay vào đào mộ cũ, lấy hài cốt rửa sạch bằng cồn hoặc rượu rồi xếp đúng trình tự vào tiểu rồi mang chôn sang chỗ mới. Cũng có một vài mâm cúng như giỗ là xong.
Tuy nhiên đào mộ lên để lấy hài cốt vệ sinh rồi xếp vào tiểu không phải ai cũng làm được. Do vậy phải thuê người làm quen việc đó.
Ngoài ra nếu tin thì còn phải xem mộ mới đặt theo hướng nào là tốt cho ngươì đã mất vì người ta quan niệm người dưới mộ có an phận thì người thân mới bình an hạnh phúc.
– Chọn ngày, giờ tốt: Ngày giờ tốt với tuổi người đã khuất và trưởng nam (hoặc thứ nam nếu không có trưởng nam) trong gia đình.
Người chủ trì (vợ, con, cháu…) phải căn cứ tuổi mình để xem ngày , giờ tốt cho việc cải táng là ngày tháng năm nào. Ngày đó phải là ngày tốt cho sang cát, không được xung với tuổi người chủ trì cũng không xung với tuổi người được sang cát.
– Xây, đắp mộ: Tiến hành xây, đắp mộ chìm, mộ nổi hay mộ công quan theo lối cổ.
– Lễ tạ mộ: Dâng lễ thắp hương lễ tạ Quan Thần linh, hàn Long mạch, cầu siêu.
Phải mời người biết cúng hoặc tự mình cúng (nhưng phải có bài văn khấn trong tay để đọc hay học thuộc để đọc và nhớ là đọc thầm thôi). Văn khấn có mấy bài: khấn khi thắp hương ở nghĩa trang để xin phép thổ thần, khấn khi động thổ đào mả lên, khấn khi mang đến nghĩa trang mới xin phép thổ thần nơi đến, khấn cúng người dưới mộ.
– Chuyển linh vị sang bàn thờ chính: Tại nhà thì chuyển linh vị (hay ảnh thờ) lên bàn thờ gia tiên. Còn tại nhà thờ họ thì đưa linh vị, ảnh hoặc ghi tên (tuỳ theo cách thức của từng vùng, miền) lên bàn thờ họ (hoặc chi).
Các bước tiến hành cho việc cải táng nên tham khảo những người có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.
Nguồn: Phong Thủy Tổng Hợp
Leave a Reply